SIÊU ÂM SẢN KHOA – TRỢ THỦ ĐẮC LỰC THEO DÕI AN TOÀN MẸ & BÉ

                                                          BS. Liêu Tấn Hưng

Hầu như không có thai phụ nào chưa từng siêu âm trong suốt thai kỳ của mình. Thậm chí, mẹ và bé trải qua nhiều lần siêu âm kiểm tra các cột mốc quan trọng.

Thật vậy, siêu âm là một công cụ cận lâm sàng rất hữu ích đối với bác sĩ Sản khoa. Siêu âm được ví như con mắt thứ ba bên cạnh những thăm khám lâm sàng, hỗ trợ đắc lực trong việc theo dõi thai kỳ chặt chẽ và liên tục.

Vậy, các kỹ thuật siêu âm hiện nay được ứng dụng trong chẩn đoán như thế nào, mang lại những giá trị gì và có ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi không?

Trước tiên, cùng tìm hiểu những giá trị từ siêu âm mang lại trong chẩn đoán, đó là:

- Xác định có thai hay không qua phương tiện hình ảnh học (phôi thai, Yolksac, tim thai)

- Xác định số lượng thai

- Xác định vị trí thai nằm trong tử cung hay ngoài tử cung

- Dự đoán ngày dự sanh của thai nhi

- Tính chất bánh nhau (vị trí, số lượng, độ trưởng thành). Đặc biệt đối với song thai, đa thai thì tính chất bánh nhau giúp tiên lượng tình trạng và khả năng phát triển của thai nhi

- Khảo sát ngôi thai (phần trình diện của thai nhi)

- Chỉ số sinh trắc thai (kích thước thai), thông qua một số kích thước quan trắc trên hình ảnh siêu âm (chiều dài đầu mông, chiều dài xương đùi, chu vi đầu, bụng...) có thể ước đoán được trọng lượng của thai nhi

- Đánh giá nước ối

- Đánh giá bất thường hình thái học thai (Siêu âm 3D, 4D)

- Phát hiện sớm các bất thường như: dây rốn quấn cổ, dây rốn thắt nút, dây rốn xoắn...

- Đánh giá sự tưới máu bánh nhau (thông qua siêu âm Doppler)

Hình 1. Minh họa siêu âm khảo sát hình thái học 4D 3 tháng giữa thai kỳ

Vậy Siêu âm Doppler” hay còn một cách gọi khác là “siêu âm màu” cung cấp cho chúng ta những thông tin gì và ứng dụng ra sao trong chẩn đoán?

- Đo lường lưu lượng máu ở từng bộ phận trong cơ thể thai nhi (dây rốn, não và tim thai) nhằm xác định khả năng hấp thụ đủ oxy và chất dinh dưỡng cần thiết của bé hay chưa

- Quan sát và đánh giá tình trạng dòng chảy của máu thông qua động mạch - tĩnh mạch để chẩn đoán thể trạng bình thường, cũng như sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi như thế nào

- Sàng lọc được một số bệnh lý (ví dụ như tim bẩm sinh) và dị tật bẩm sinh của thai nhi nhằm đưa ra biện pháp khắc phục sớm nhất

- Theo dõi và phát hiện những dấu hiệu bất thường ở thai nhi nếu có, ngăn chặn tình trạng trẻ sinh ra nhẹ cân

- Đánh giá thời điểm thích hợp có thể đưa em bé ra ngoài

Tùy vào tình trạng cũng như những nghi ngờ về thai kỳ, bác sĩ sẽ chỉ định khu vực và bộ phận cụ thể cần siêu âm Doppler. Tuy nhiên những trường hợp cả mẹ và con đều khỏe mạnh thì cũng không nên lạm dụng kỹ thuật siêu âm này.

Hình 2. Minh họa trường hợp Siêu âm Doppler trong phát hiện dây rốn thắt nút tại Phương Châu

Vậy có những loại Siêu âm Doppler nào?

* Siêu âm Doppler động mạch tử cung

Động mạch tử cung đóng vai trò rất quan trọng, chịu trách nhiệm dẫn máu đến tử cung của người mẹ để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng giúp con phát triển khỏe mạnh. Do đó siêu âm Doppler cơ tử cung động mạch sẽ giúp bác sĩ kiểm tra nhau thai có được cung cấp đủ lượng máu cho hay không. Vì nếu nhau thai không nhận được đủ lượng máu cần thiết, đồng nghĩa thai nhi cũng không thể nhận đủ oxy và các chất dinh dưỡng thông qua dây rốn.

* Siêu âm Doppler động mạch rốn

Dây rốn là cầu nối để máu từ nhau thai chuyển thành oxy và các chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi. Để kiểm tra dòng chảy của máu từ nhau thai đến rốn, các bác sĩ có thể áp dụng kỹ thuật siêu âm Doppler động mạch rốn. Những trường hợp thường được chỉ định siêu âm Doppler động mạch rốn bao gồm:

- Thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung (khác thai nhỏ so với tuổi thai)

- Phát hiện sớm các trường hợp dây rốn quấn cổ, dây rốn thắt nút, xoắn dây rốn

- Thai nhi bị ảnh hưởng bởi các kháng thể Rh không tương thích

- Sản phụ mang đa thai (sinh đôi cùng trứng), có chỉ số BMI quá cao hoặc quá thấp, hoặc mắc các bệnh như: tăng huyết áp, tiểu đường

- Có tiền sử sinh con nhẹ cân, sảy thai giai đoạn muộn hoặc trẻ sơ sinh tử vong ngay sau sinh

Hình 3. Minh họa trường hợp bé được sinh ra an toàn có thắt nút dây rốn sau phát hiện từ siêu âm tại Phương Châu

* Siêu âm Doppler động mạch não giữa và ống tĩnh mạch

Trong trường hợp có phát hiện dấu hiệu bất thường sau khi tiến hành siêu âm Doppler động mạch rốn (tăng trở kháng, mất sóng hoặc đảo ngược sóng tâm trương), bác sĩ có thể sẽ chỉ định tiếp tục khảo sát dòng máu bằng cách siêu âm Doppler xung tĩnh mạch hoặc động mạch não giữa. Trong đó, ống tĩnh mạch là nguồn cung cấp máu giàu oxy dinh dưỡng cho não và tim của thai nhi. Khi thai thiếu oxy nghiêm trọng hoặc toan hoá máu sẽ xuất hiện tình trạng tái phân phối máu giàu oxy từ tĩnh mạch rốn về ống tĩnh mạch.

Vậy Siêu âm nói chung và Siêu âm Doppler nói riêng có ảnh hưởng như thế nào đối với thai phụ và thai nhi?

Bản chất của siêu âm là sóng âm thanh có tần số cao hơn so với những âm thanh mà người có thể nghe được (> 20,000 Hz), trong y khoa thường từ 1 đến 12 Mega Hertz (MHz). Khi bác sĩ dùng đầu dò để tì sát lên da, nó phát ra các làn sóng siêu âm vào . Đầu dò cũng thu nhận siêu âm phản hồi từ mô, được máy phân tích tạo thành hình ảnh có thể thấy được trên màn hình.

Hiện nay, khoa học chưa có bằng chứng siêu âm gây hại cho cơ thể sống. Bản chất của siêu âm là sóng âm thanh có tần số rất cao (vượt quá ngưỡng nghe được) nên hoàn toàn vô hại.

Tuy nhiên, cần lưu ý, khi thai nhi mới được 1 – 2 tháng (hoặc dưới 10 tuần) thì khuyến cáo không nên làm siêu âm Doppler màu. Bởi kỹ thuật này có tác dụng nhiệt, chúng ta lo ngại gây ảnh hưởng đến thai nhi vì đây là thời điểm hình thành các cơ quan quan trọng.

Wildcard SSL